Sử dụng Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI): Bảo vệ Sức khỏe & Cải thiện Không gian Làm việc
Chất lượng không khí ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta, đặc biệt là trong không gian làm việc, nơi ta dành phần lớn thời gian trong ngày. Vì vậy, chúng ta cần phải làm quen với AQI—một công cụ giá trị giúp định lượng và đánh giá mức độ ô nhiễm trong không khí.
AQI là gì?
Được sử dụng trên toàn cầu, AQI là thang đo biểu thị chất lượng không khí ở một khu vực nhất định thông qua việc đo lường hàm lượng của 5 chất gây ô nhiễm chính: ozone trên mặt đất, particular matter—bụi mịn (PM2.5 và PM10), carbon monoxide, sulfur dioxide và nitrogen dioxide (U.S EPA).
Nguồn: Urbanemissions.info
Các mức độ AQI
Chỉ số AQI được chia thành 6 hạng mục, với AQI cao hơn biểu hiện mức độ ô nhiễm không khí cao hơn (AirNow). Thang đo này cũng trừng khớp với VN AQI—chỉ số chất lượng không khí Việt Nam 1459/QĐ-TCMT, được ban hành bởi Tổng cục Môi trường tháng 11/2019 (VEA):
Nguồn: AirNow
Tốt (0-50): Chất lượng không khí đạt yêu cầu và ít hoặc không có rủi ro.
Trung bình (51-100): Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, có thể gây rủi ro đối với một số người
Kém (101-150): Trẻ em, người già, người mắc bệnh tim hoặc phổi có thể bị ảnh hưởng sức khỏe. Phần số đông ít có khả năng bị ảnh hưởng hơn.
Xấu (151-200): Phần số đông có thể bị ảnh hưởng sức khỏe; Trẻ em, người già, người mắc bệnh tim hoặc phổi có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Rất xấu (201-300): Cảnh báo về sức khỏe: Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cao đối với mọi người.
Nguy hại (301-500): Cảnh báo sức khỏe khẩn cấp: Mọi người có đều có khả năng bị ảnh hưởng.
Chỉ số AQI được tính như thế nào?
Để tính toán chỉ số AQI, mỗi chất gây ô nhiễm đã liệt kê sẽ được gán một giá trị AQI riêng. Giá trị cao nhất trong số này sẽ được chọn làm AQI tổng thể. Mỗi giá trị AQI được tính như sau (AirNow).
- Nồng độ của chất ô nhiễm được đo trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Số liệu này sẽ được chuyển thể thành giá trị AQI tương ứng qua công thức do EPA cung cấp. Công thức sử dụng hàm tuyến tính từng phần liên kết nồng độ chất ô nhiễm với giá trị AQI.
Nguồn: AirNow
- Conci = Nồng độ đầu vào của một chất ô nhiễm nhất định
- ConcLo = Điểm dừng nồng độ nhỏ hơn hoặc bằng Conci
- ConcHi = Điểm dừng nồng độ lớn hơn hoặc bằng Conci
- AQILo = Giá trị AQI/điểm ngắt tương ứng với ConcLo
- AQIHi = Giá trị AQI/điểm dừng tương ứng với ConcHi
PM, PM2.5 and PM10 là gì?
Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter - ký hiệu PM; bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.
- PM10 – Hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm (1/1000000 m)
- PM2.5 –Hạt bụi có kích thước đường kính <=2,5 µm.
Nguồn: U.S. EPA
Tuy có thể được sinh ra bởi cả tự nhiên và nhân tạo, nguồn sản sinh ra PM10, PM2.5 ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường xá và nhà máy công nghiệp.
Theo công bố tại hội thảo “Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng” năm 2017, lượng bụi PM2.5 trung bình năm 2016 ở TP HCM là 28,23 µg/m3 cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của WHO, trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO (Moi Truong va Cuoc Song)
Tác động của sức khỏe từ chất lượng không khí kém
Phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, dù ngắn hạn hay dài hạn,cả ngoài trời và trong nhà, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có liên quan trực tiếp đến bệnh tiểu đường loại 2, béo phì, viêm hệ thống, bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ra những tác động có hại cho mọi cơ quan trong cơ thể, cũng như làm phức tạp và trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có (Schraufnagel et al, 2019).
Nguồn: EEA
Về bụi PM, trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế công nhận ô nhiễm không khí, đặc biệt là PM2.5, là tác nhân chính gây ung thư. Cụ thể là mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36% (IARC). Ước tính có đến 4,3 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM.
Những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh do các cơ quan và hệ thống miễn dịch của vẫn còn đang phát triển. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trong giai đoạn đầu đời và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong tương lai. Đáng nói, trẻ em thường không thể tự bảo vệ mình cũng như thường không thể tác động đến các chính sách kiểm soát chất lượng không khí (EEA).
Tại các không gian làm việc trong nhà, chất lượng AQI thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, được gọi chung là “Sick Building Syndrome”. Thuật ngữ nhằm mô tả các tình huống mà người lao động trong tòa nhà gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe hoặc cảm giác khó chịu trong một môi trường trong nhà. Đối với các doanh nghiệp, điều này có thể làm giảm năng suất của nhân viên, tăng số ngày nghỉ ốm và chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan (Joshi, 2008). Trong khi đó, khi những người lao động chuyển đến một tòa nhà lành mạnh hơn với chất lượng không khí tốt hơn, năng suất của họ sẽ được cải thiện (Palacios et al., 2020)
Nguồn: Palacios et al.
Do đó, cho dù ở nhà, nơi làm việc hay các tòa nhà công cộng của bạn, việc đảm bảo chất lượng AQI tốt trong bất kỳ môi trường trong nhà nào là rất quan trọng.
Làm cách nào để kiểm tra AQI trong khu vực của tôi?
AQI được đo bằng nhiều thiết bị và cảm biến khác nhau để có thể giám sát và theo dõi nồng độ của các chất ô nhiễm cụ thể. Các phép đo này sau đó được so sánh với các giá trị tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn về chất lượng không khí trong nhà có thể chấp nhận được, tùy theo định nghĩa của các cơ quan quốc gia và quốc tế khác nhau.
Để tham khảo, bạn có thể kiểm tra xếp hạng chất lượng không khí theo thời gian thực của các thành phố lớn trên thế giới tại IQAir.com.
Bạn cũng nên trang bị cho môi trường trong nhà của mình (văn phòng, không gian sống, không gian chung, v.v.) hay các thiết bị theo dõi AQI như thiết bị tại văn phòng GreenViet.
Làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi ô nhiễm không khí?
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, tùy thuộc vào mức AQI trong khu vực của bạn, bạn có thể thực hiện các hành động sau để giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và các ảnh hưởng sức khỏe liên quan (ALA):
- Giảm thời gian và cường độ hoạt động ngoài trời xuống dưới 30 phút khi môi trường có chỉ số AQI cao.
- Đeo khẩu trang. Khẩu trang N95 hoặc KN95 vừa vặn có khả năng lọc tốt hơn trong những ngày AQI cao.
- Giữ không khí trong nhà trong lành bằng cách đóng cửa sổ và cửa ra vào. Chạy điều hòa không khí ở chế độ tuần hoàn hoặc sử dụng máy lọc không khí HEPA di động.
- Làm theo lời khuyên của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu bạn có bất kỳ tình trạng y tế nào có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.
Nguồn: NPR
Làm thế nào tôi có thể giúp cải thiện chất lượng không khí?
Để góp phần cải thiện chất lượng AQI, bạn có thể thực hiện các hành động để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí như sau (UNEP, Healthline):
- Giảm thiểu tác động của bạn đối với môi trường: Quản lý chất thải một cách có trách nhiệm, lựa chọn phương tiên giao thông thân thiện môi trường
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng không khí tại địa phương, tránh các khu vực có mật độ giao thông cao và trang bị đồ bảo hộ đầy đủ khi cần thiết.
- Sử dụng thiết bị hoặc bộ dụng cụ chuyên dụng tại nhà để theo dõi mức độ các chất ô nhiễm như radon, carbon monoxide, nấm mốc và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).
- Tăng cường lưu thông không khí trong nhà, mở cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng quạt hoặc máy điều hòa không khí ở nhà bếp và phòng tắm.
- Không sử dụng các sản phẩm thải ra khói độc hại như hóa chất, thuốc lá, thuốc lá điện tử, nến và nhang. Chọn đồ nội thất và vật liệu có hàm lượng thấp hoặc không chứa formaldehyde.
Hãy nhớ rằng, không khí bạn hít thở rất quan trọng, bất kể là ở trong nhà hay bên ngoài. Vì sức khỏe của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn đang hít thở không khí trong lành, chất lượng!
Tìm hiểu thêm về AQI
Để biết thêm thông tin về AQI cũng như những biện pháp để bảo vệ bạn và người thân khỏi ô nhiễm không khí, hãy tham khảo những trang web sau: