TƯ VẤN CHỨNG NHẬN CÔNG TRÌNH XANH
Nhiều công ty lớn đã bắt đầu thực hiện các bước tiến đáng kể trên con đường phát triển bền vững. Cùng với đó, các công ty vừa và nhỏ cũng đang bước đầu làm quen với khái niệm xanh trong điều hành và quản lý. Vấn đề bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến rộng khắp trong các ngành công nghiệp môi trường, năng lượng và xây dựng. Thêm vào đó có thể nói lợi ích về mặt chi phí vận hành, quản lý điều hành và quy trình bảo trì đến từ việc thực hiện công trình xanh đang trở nên thiết thực và hữu ích hơn bao giờ hết. Do đó GREENVIET cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng có nhu cầu cam kết tham gia vào cộng đồng các công trình bền vững. Chúng tôi đưa ra các sáng kiến mang tính bền vững, hỗ trợ khách hàng tối ưu hóa hiệu suất xây dựng và đưa vào triển khai đầu tư một cách hợp lý. Chúng tôi tạo ra giá trị gia tăng cho công trình thuộc mọi kích cỡ và thứ hạng bằng cách tập trung vào những vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả chủ chốt (hướng, vỏ bọc công trình, kính, hệ số hiệu quả tối thiểu của thiết bị, v.v…). Các vấn đề liên quan đến tính bền vững bao gồm kế hoạch xây dựng xanh, tái sử dụng nước, giảm nguồn ô nhiễm, giảm thiểu chất thải cũng được quan tâm.
GREENVIET, với vai trò là một chuyên gia về chứng nhận LEED, LOTUS and Green Mark, sẽ tư vấn cho từng cá nhân và các doanh nghiệp để đưa ra dịch vụ phù hợp nhất với yêu cầu và mục tiêu của khách hàng. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với toàn bộ nhóm dự án xuyên suốt quá trình xây dựng từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, và cả đến sau khi dự án được cấp chứng nhận. GREENVIET cam kết hỗ trợ công trình đạt được chứng nhật xếp hạng cao nhất có thể cho cả các Công trình xây mới và Công trình hiện hữu, nâng cao hiệu suất tài chính cũng như quản lý rủi ro mà vẫn không làm gián đoạn hiệu suất hoạt động công trình.
CÔNG TRÌNH XANH LÀ GÌ?
Công trình Xanh hiện nay đã trở thành cuộc cách mạng của ngành xây dựng, phù hợp với mục tiêu Phát triển bền vững chung của toàn cầu. Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình “xanh” là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn đánh giá về Công trình Xanh với các tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng đều dựa trên 5 yếu tố cơ bản là: năng lượng, địa điểm bền vững, vật liệu & rác thải, nước và chất lượng không khí trong nhà.
Với các tiêu chí được xây dựng để đánh giá một công trình từ giai đoạn thiết kế đến hoàn thiện và vận hành, công trình xanh đã mang lại nhiều lợi ích to lớn và đa dạng. Các lợi ích này có thể chia thành 3 loại chính: môi trường, kinh tế và xã hội.
Các giải pháp Công trình Xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại, qua đó góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể:
- Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng: các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng, thông gió tự nhiêu làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Khuyến khích sự dụng phương tiện công cộng giảm tiêu tốn nhiêu liệu. Tuần hoàn tái sử dụng nước xám, nước mưa cho việc xả nhà vệ sinh, tưới tiêu, v.v. Tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu trong suốt quá trình xây dựng, vận hành.
- Quản lý nước mưa để chống xói mòn: kiểm soát, tận dụng nước mưa bằng hệ thống thu nước mưa, chuyển hướng dòng chảy, chống chảy tràn, sử dụng vật liệu thấm nước cho cảnh quan để chống nước mưa chảy tràn gây xói mòn, rửa trôi, lan truyền ô nhiễm.
- Bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái: các nỗ lực khắc phục loại bỏ các vật liệu nguy hại khỏi đất và nước ngầm trong khu vực, giảm sự tiếp xúc của con người đến động vật hoang dã với các nguy cơ sức khoẻ do ô nhiễm môi trường. Khuyến khích tái phát triển trên các khu đất đã phát triển, bảo tồn các khu vực chưa phát triển cho các thế hệ tương lai và giảm tác động môi của sự phát triển, tránh việc xây dựng các tiện ích mới và đường xá không cần thiết, tránh được những tác động môi trường.
- Giảm khí thải: sử dụng các phương tiện ít phát thải (xe đạp, xe điện, v.v), các tiện ích giao thông công cộng, sử dụng nguyên vật liệu địa phương, vật liệu có hàm lượng VOCs (chất hữu cơ bay hơi) thấp, v.v, giúp giảm khí thải độc hại. Sử dụng năng lượng hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành.
- Điều hòa nhiệt độ: đặc tính giữ nhiệt của các tòa nhà cao tầng và vật liệu xây dựng như bê tông hay nhựa đường là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Dự án có thể giải quyết vấn đề nhờ tối ưu thiết kế, giảm bức xạ nhiệt, lựa chọn khu đất, trồng nhiều cây xanh trong khu vực xây dựng.
- Giảm rác thải: quản lý, phân loại, tái sử dụng nguyên vật liệu, tối thiểu lượng rác thải mang đi chôn lấp.
Tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành có thể xem là lợi ích kinh tế chủ yếu mà một công trình xanh mang lại bên cạnh các lợi ích như làm giá trị công trình và tăng năng suất làm việc, học tập. Cụ thể:
- Giảm chi phí vận hành và bảo trì: nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể, qua đó bù lại nhanh chóng cho các chi phí phụ trội trong quá trình xây dựng của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Theo ước tính, ở Việt Nam một công trình nếu xây dựng theo xu hướng “xanh” thì chi phí xây dựng sẽ đội lên từ 5 đến 15% so với công trình thông thường. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, một công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ. Do đó, chỉ sau 4 đến 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư ban đầu (Phạm Ngọc Đăng, 2014). Chi phí vận hành được giảm nhờ vào việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng và tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, v.v. Qua đó sẽ cắt giảm được nguồn điện tiêu thụ và chi phí xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm cũng được cắt giảm tối đa.
- Nâng cao năng suất làm việc và học tập: các biện pháp thiết kế của một công trình xanh luôn chú trọng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên đã giúp người sử dụng luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Theo nghiên cứu của Dailey (2013), chất lượng không khí trong nhà tốt có thể cải thiện đến 18% năng suất lao động, tăng khả năng nhó và kích thích khả năng sáng tạo của não bộ.
- Tăng giá trị cho công trình: nhờ sự đầu tư nghiêm túc từ khâu lên ý tưởng và thiết kế ban đầu, công trình xanh sau khi xây dựng đều có tính thẩm mỹ khá cao. Hơn nữa, việc quan tâm đến vị trí xây dựng, hệ sinh thái có thể khuyến khích sự ủng hộ của công chúng đối với công trình. Thương hiệu công trình xanh giúp tạo sự khác biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang là chủ đề được quan tâm.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu luôn là chủ đề được đông đảo cộng đồng quan tâm và việc tìm kiếm một không gian sống & làm việc an toàn, tiện nghi & thoải mái là nhu cầu bức thiết của mỗi người. Mặt khác, sự sôi động của thị trường bất động sản và xu hướng ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe và lối sống lành mạnh là động cơ thúc đẩy các chủ đầu tư tìm kiếm một hướng đi mới là xây dựng công trình theo tiêu chuẩn xanh.
Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường và kinh tế mang lại cho chủ đầu tư và người sử dụng, công trình xanh còn mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng như:
- Cải thiện sức khỏe cộng đồng: ở các thành phố lớn, việc sống và làm việc trong môi trường đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng nhân tạo rất phổ biến, điều này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các chứng bệnh như đau đầu, chóng mắt, hay mệt mỏi và thẩm chí là trầm cảm. Công trình xanh sẽ giải quyết được vấn đề nan giải này bằng các giải pháp như tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng nội thất không độc hại, sử dụng hệ thống thông gió để cấp gió tươi giúp giảm nồng độ CO2 trong không khí.
- Tạo lối sống và giải trí lành mạnh: một trong các tiêu chí được khuyến khích của công trình xanh là ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp hay các phương tiện giao thông công cộng có nồng độ khí thải thấp, không những có thể bảo vệ môi trường mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng
Tại VIệt Nam, có 6 công cụ đánh giá Công trình Xanh được áp dụng:
- LEED: công cụ đánh giá của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC). Đây là một hệ thống đánh giá toàn diện, phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế nên các tiêu chuẩn đánh giá chủ yếu thích hợp cho các nước phát triển. Hiện nay, LEED là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong và phổ biến nhất thế giới khi đã thực hiện đánh giá hơn hơn 50,000 công trình ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ và 135 quốc gia.EDGE: Công cụ đánh giá của Tổ chức tài chính thế giới (IFC). Hệ thống đánh giá này tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và vật liệu nên phù hợp với các dự án có mục tiêu chính là tối thiểu hóa mức tiêu thụ tài nguyên.
- LOTUS: công cụ đánh giá của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Là công cụ được phát triển trên nền tảng hệ thống đánh giá công trình xanh của các nước tiên tiến và được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng và điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
- GREENMARK: có mặt tại Việt Nam năm 2010, là công cụ đánh giá của Cơ quan xây dựng Singapore (BCA). Cũng giống như LEED, các tiêu chí của công cụ đánh giá này chủ yếu phù hợp ở các nước phát triển.
- EDGE: ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2015, là công cụ đánh giá của Tổ chức Tài chính thế giới (IFC). Tập trung vào 3 tiêu chí: năng lượng, nước và vật liệu.
- WELL: ra đời năm 2014, được chứng nhận bởi GBCI – cùng tổ chức đánh giá chứng nhận LEED. Các tiêu chí đánh giá của WELL chủ yếu tập trung vào sức khỏe của người sử dụng.
- FITWEL: ra mắt vào năm 2017, hiện nay FITWEL đã có mặt tại hơn 35 quốc gia với hơn 1,300 người sử dụng.
CSR (Corporate Social Responsibility) tạm dịch là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. CSR được các nhà học thuật xây dựng từ trước thế chiến thứ hai, sau đó phát triển rộng rãi vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Theo đó, doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển không chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận hiện tại mà còn phải có chính sách, chiến lược phát triển lâu dài, bền vững để không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải luôn đảm bảo hài hòa 3 yếu tố trong chiến lược kinh doanh của mình: Profit, People, Planet (mô hình 3P của CSR). 3 yếu tố này cũng tương ứng với 3 lợi ích mà Công Trình Xanh mang lại là: Kinh tế, Xã hội, và Môi trường.
- Profit (Lợi nhuận) – Kinh tế: trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Doanh nghiệp phải cân nhắc đến các giải pháp tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu. Với các chi phí bên ngoài mà doanh nghiệp khó có thể kiểm soát như chi phí nguyên vật liệu, quảng cáo thì các giải pháp giúp tiết kiệm chi phí vận hành của Công Trình Xanh nên được xem xét. Nhờ vào tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên và tối ưu hóa năng lượng sử dụng, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể.
- People (Con người) – Xã hội: trách nhiệm của công ty với nhân viên và cộng đồng xã hội. Ngoài các chính sách về công bằng trong tuyển dụng, lương thưởng và phát triển năng lực cá nhân, doanh nghiệp còn phải tạo một điều kiện làm việc an toàn và thoải mái. Công Trình Xanh với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng không khí cũng như sử dụng vật liệu đạt chuẩn kết hợp với các giải pháp để tối ưu hóa thiết kế giúp tạo một không gian tiện nghi và thoải mái, đảm bảo sức khỏe cho người làm việc và sinh sống trong công trình.
- Planet (Hành tinh) – Môi trường: tiêu chuẩn Công Trình Xanh quy định kỹ và đánh giá cao nỗ lực bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng công trình. Trong đó, việc quản lý, phân loại và tái sử dụng nguyên vật liệu để tối thiểu hóa lượng rác thải mang đi chôn lấp là những việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.